Đây là lễ hội thường niên truyền thống có quy mô lớn nhất xứ Thanh. Lễ hội nhằm tưởng nhớ các bậc tiền nhân có công khai ấp, lập làng, cầu cho mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, tôm cá đầy thuyền.
Tương truyền, lễ hội này xuất hiện từ thời Lê, trải qua nhiều thế kỷ vẫn được bảo tồn và phát huy giá trị. Đây là lễ hội lớn nhất trong năm của xã, đồng thời, cũng là lễ hội lớn nhất và đặc trưng nhất vùng ven biển xứ Thanh.
Từ ngày khai hội đã có hàng nghìn người dân, du khách thập phương về đây trẩy hội, vui chơi, ngắm biển và khám phá phong tục tập quán của người dân vùng biển Ngư Lộc.
Dòng người tham dự lễ hội Cầu Ngư tại xã Ngư Lộc.
Do có diện tích đất ở tự nhiên nhỏ hẹp, dân số đông nên xã Ngư Lộc được coi là xã có mật độ dân số cao nhất Việt Nam.
Mở đầu lễ hội Cầu Ngư năm nay là màn rước kiệu, rước thuyền Long Châu dọc bờ biển. Theo các cụ cao niên ở xã Ngư Lộc, việc làm Long Châu là hoạt động quan trọng nhất tại lễ hội vì đây là vật thiêng dùng để cúng tế chính.
Long Châu thực chất là một chiếc thuyền rồng, được làm bằng luồng, nứa, giấy màu, xốp và phẩm màu, được sử dụng như một chiếc thuyền thờ mô phỏng chức năng và quyền lực của các thần vùng sông, biển và chứa đựng những lễ vật cùng với lời thỉnh nguyện của người dân, mong phù hộ cho họ trong cuộc sống ngoài biển khơi.
Hàng nghìn người tham gia rước thuyền rồng để cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, tôm cá đầy thuyền.
Việc rước thuyền nhằm bày tỏ niềm ngưỡng vọng với các vị thần có công khai dân lập làng, quai đê lấn biển, bảo vệ, che chở cho ngư dân ra khơi vào lộng an toàn, tôm cá đầy thuyền. Đồng thời còn nhằm thắt chặt tình đoàn kết giữa các làng, các dòng họ đang chung sống ở Ngư Lộc.
Sau phần lễ, phần hội đã diễn ra với các hoạt động văn hóa, văn nghệ đặc sắc, phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc như: đánh cờ, hát chầu văn, biểu diễn nhạc lưu thủy…
Thuyền rồng từ trung tâm xã được người dân rước ra dọc bờ biển.
Được biết, đến cuối ngày 2/4 (tức ngày 24/2 âm lịch), thuyền Long Châu sẽ được hóa (đốt) trước biển. Nghi lễ này cũng là hoạt động cuối cùng để kết thúc lễ hội Cầu Ngư hàng năm.
Năm 2005, Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ VHTT&DL) đã chính thức xếp lễ hội Cầu Ngư xã Ngư Lộc là lễ hội văn hóa phi vật thể. Đến tháng 9/2017, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL ký quyết định đưa lễ hội Cầu Ngư vào di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
Chị em phụ nữ mặc áo dài truyền thống rước cờ tại lễ hội.
Xã Ngư Lộc có diện tích đất ở nhỏ nhất cả nước chỉ với 0,46km2, trong khi dân số hơn 18.000 người nên mật độ dân số cao nhất cả nước, lên tới 36.000 người/km2.
So sánh với số liệu điều tra dân số năm 2019, mật độ cư dân sinh sống ở Ngư Lộc cao gấp 15 lần Hà Nội và 8,25 lần so với Tp.HCM.