"Lúc ấy tôi càng khát khao biển và trời của tôi bất tận, một dải đất rộng bền vững hòa bình. Ngậm một bụm khói đen quánh đặc tôi trốn khỏi lớp học".
Thời tái chế là tập trường ca song ngữ của Mai Văn Phấn, do Nhat-Lang Le chuyển ngữ tiếng Anh. Tác phẩm là lời cảnh báo về sự mục rữa của thế giới hiện đại khi đời sống tiêu dùng lên ngôi đi cùng quá trình hủy hoại môi trường. Được sự đồng ý của công ty sách Tao Đàn, Zing.vn trích đăng một phần trường ca.
Vừa cử động tôi đã chạm vào thế giới của các vị. Xin đừng vội trách tôi hỗn xược, vô tâm! Vẫn biết ai đó trong các vị chưa kịp siêu thoát, hay còn đang dò dẫm phương nào. Hoặc tất cả vẫn nguyên ở đó? Tôi bước lên, hít thở. Máu từ khóe miệng tôi xuống đất mẹ ròng ròng.
Sách song ngữ Thời tái chế. |
Tôi lớn lên trong lẫn lộn đúng sai, tỉnh táo và lú lẫn, tìm đường và lạc lối, u mê và khát vọng, hiện đại và tiểu nông, quảng đại và cò con, tổng thể và đơn chiếc, cao thượng và thấp hèn, văn minh và lạc hậu… Một sớm mai gặp con cá bơi ngược dòng, một vì sao chờ đợi ban mai không nhắm mắt. Tôi bồn chồn đến lớp, ngồi bên những bạn học, phần đông trong số họ khi ấy đã chết. Nghe thầy giáo say sưa giảng bài. Thầy giơ ngón tay ra hiệu cho cả lớp mở từng trang vở. Thầy nhìn từng người hồi lâu rồi đến bên tôi nói như ra lệnh, nếu hiểu bài phải biết kìm nén cảm xúc.
Thầy giáo cho cả lớp xem nhiều mô hình, những cuộc chiến tranh, từng đợt di dân, thanh trừng, cải cách... Xương người chất thành núi, mở đường, dựng ngôi nhà nghỉ tạm; làm tường thành ngăn chặn mũi tên tẩm độc từ phía ngoại bang. Những dòng sông máu và nước mắt được mô phỏng bằng sáp nến. Thầy giáo bật que diêm cho những mô hình nhanh chóng bén lửa. Lần đầu tiên chúng tôi chứng kiến linh hồn và tư tưởng có mùi khét, ám khói mù mịt. Lúc ấy tôi càng khát khao biển và trời của tôi bất tận, một dải đất rộng bền vững hòa bình. Ngậm một bụm khói đen quánh đặc tôi trốn khỏi lớp học.
Tôi nhẫn nại bóc lớp muội đen đang phủ kín lối đi, bọc kín những vệ cỏ, cây cầu, cột mốc. Vớt sạch cả lớp váng đen vừa đông cứng trên mặt nước, thu lại những giải băng đen, biển hiệu đen, con diều đen còn mắc kẹt giữa không trung. Tôi đến bên một em nhỏ thì thầm như van vái: Hãy để anh bóc lớp vỏ thâm đen đang bao bọc áo quần, trên trán em kia! Em bé ném về phía tôi ánh mắt giận dữ như nhìn một con thú dữ, rồi thinh lặng bước đi. Tôi lặng lẽ theo sau em vờ như chưa từng gặp gỡ, rồi âu yếm bóc lớp muội đen trên thân thể em bằng đôi mắt mệt mỏi của tôi. Tưởng tượng lau chùi da thịt em cho đến khi bóng em mất hút.
Tranh minh họa trong sách của Thanh Thanh. |
Mỗi sáng tôi thức dậy trong mạng lưới thông tin dầy đặc, ngỡ bị mắc vào mớ bòng bong, ổ con nhện khổng lồ. Có ngày quanh quẩn với tin tức quên cả ăn sáng. Tôi hình dung vùng đất này đang lồng như ngựa vía. Bụi tung mù mịt khắp nơi, không nhận ra đâu là bãi hoang, đâu là lối ngõ. Tôi tỉnh hay mê và đang ngồi ở đâu? Rồi lại nghĩ dớ dẩn không biết mảnh đất có bao nhiêu chân? Chẳng lẽ đất quê hương chỉ là ngọn đồi, tảng đá, vườn tược, bờ bãi, kênh rạch. Hay mắm muối, tro than, rơm rạ nằm ì. Có lúc ngỡ đất không có chân, mặc cho bọn ngu dốt lôi đi. Giờ đây chúng đã bất lực, vừa la ó vừa vấy bẩn lên mặt đất.
(Còn tiếp...)
Nhà thơ Mai Văn Phấn
Thời tái chế Mai Văn PhấnGiải thưởng CikadaThời tái chếThơ song ngữ