Những ngày cuối đời, bà Phạm Thị Vận dặn dò và trao chìa khóa chiếc tủ có chứa nhiều kỷ vật cho cháu gái.
Gia tài của cụ bà U100
Cầm trên tay những kỷ vật của bà nội, cô gái trẻ Nguyễn Khánh Giang (26 tuổi, tỉnh Quảng Ngãi) vẫn chưa thể tin bà đã mất. Trước đó, ngày 9/3, bà nội của Giang là bà Phạm Thị Vận, qua đời và hưởng thọ 93 tuổi.
Bà Vận bệnh nặng hơn 1 năm qua. Lúc trở trời, bà thường khó thở.
Biết tin bà nội bệnh, Giang rời Hà Nội về Quảng Ngãi kề cận chăm sóc. Bố mất sớm, Giang sống cùng ông bà nội và mẹ. Trong ký ức của Giang, bà nội là người kỹ tính, khéo léo và biết rất nhiều thứ. Họ hàng thường ví bà là một kho tàng về nữ công gia chánh.
Bà Phạm Thị Vận, bà nội của Nguyễn Khánh Giang.
Từ nhỏ, Giang được bà dạy nấu ăn, thêu thùa, đan len và làm thuốc. Bà kiên nhẫn hướng dẫn cháu gái nhiều điều. Dù bà đối xử với con cháu rất công bằng nhưng Giang vẫn cảm nhận được bà ưu ái hơn.
Từ sau Tết 2023, bà Vận không còn tỉnh táo, lúc mê lúc tỉnh. Ngày 19/2, bà gọi Giang đến bên cạnh và giao cho cháu gái chìa khóa tủ. Bà bảo Giang mở tủ và lấy những món đồ trong đó ra.
“Lúc đó, bà tôi minh mẫn lạ thường. Bà cầm từng món đồ trao cho tôi. Gia tài của bà là những huân chương, kỷ niệm chương, tiền đã ngừng lưu hành, trang sức từ thời Pháp thuộc, kim đan len, tranh thêu, sổ tay ghi chép công việc và các công thức nấu ăn từ năm 1949…”, Khánh Giang kể.
Bà Vận dặn dò cháu gái phải thay mình giữ gìn cẩn thận những kỷ vật đó. Ngoài ra, bà mong Giang tiếp tục hoàn thành một tấm tranh thêu còn dang dở. Đó là một trong số những bức tranh mà bà đã thêu trong thời gian bị địch bắt giam.
Với Giang, số kỷ vật của bà để lại có thể giá trị không lớn, không sánh bằng các món quà đắt tiền khác nhưng lại vô giá về mặt tinh thần. Mỗi kỷ vật là một câu chuyện xúc động.
Gia tài của bà Vận trao cho cháu nội.
Lúc bà Vận còn khỏe mạnh, Giang thường thấy bà nâng niu những tấm huân chương, kỷ niệm chương được trao tặng. “Đó là minh chứng cho lòng yêu nước của bà và cũng là thứ mà bà tôi quý nhất. Mỗi lần lấy ra ngắm nghía, bà lại kể về sự tàn khốc của chiến tranh”, Giang xúc động.
Về những tờ tiền có mệnh giá 100 đồng mà bà nội để lại, Giang nói có người hỏi mua nhưng Giang không bán. Bởi, số tiền ấy là cột mốc ý nghĩa mà bà Vận muốn giữ để ghi nhớ thời điểm đất nước đổi mới.
“Lúc đó, 12 tờ tiền mệnh giá 100 đồng là cả một gia tài. Thế nhưng, bà tôi quyết định giữ lại cho con cháu nên không đem đổi tiền mới”, Giang cho biết.
Nhớ từng thói quen, món bà yêu thích
Trước tình cảm bao la của bà, Khánh Giang cảm thấy bản thân còn chưa tận hiếu. Giang vẫn nhớ lời hứa thay bố chăm bà nhưng chưa làm được gì nhiều thì bà đã ra đi. Nếu thời gian có thể quay ngược, Giang chỉ mong được bên bà nhiều hơn.
Lúc bà mất, Giang không khóc lóc vật vã. Cô gái trẻ bình tĩnh đến lạ thường. Trong vô thức, Giang vẫn nghĩ bà còn sống nên không thể khóc.
Những kỷ niệm hạnh phúc của Giang cùng bà và mẹ.
Bà Vận ra đi để lại trong lòng cháu gái một khoảng trống quá lớn. Giang chưa quen với sự vắng mặt của bà. Thỉnh thoảng, cô vẫn mua mấy món bà thích, nửa đêm mở cửa phòng xem bà ngủ có ngon không, bà có đi vệ sinh không…
“Khi ra mộ bà, tôi thấy cô của mình đang lau bụi. Như một thói quen, tôi nhắc cô phải lau khô cho sạch bụi trước rồi mới dùng khăn ướt lau lại, chứ không bà nội thấy sẽ la. Lúc đó, tôi quên mất mình đang đứng trước mộ bà”, Giang nghẹn giọng.
Giang rất tự hào khi được làm cháu nội của bà Vận. Trước khi nghỉ hưu, bà làm việc ở khoa sản của một bệnh viện tại Quảng Ngãi. Thời gian này, bà nhận rất nhiều con nuôi, trong đó có những bé bị mẹ bỏ rơi.
Giang nhớ: “Bà tôi tự hào nhất là suốt bao năm hành nghề, bà chưa từng nhận ca phá thai nào dù được ra giá rất cao. Bà sống hiền đức, được nhiều người quý trọng. Bà mất gần 1 tháng mà vẫn còn người lui tới viếng mộ, thắp hương”.
Bà Vận tặng cháu gái quyển nhật ký nghiệp vụ lưu lại những kiến thức y học và cách chữa bệnh cho em bé.
Không chỉ vậy, trước giải phóng, bà Vận hoạt động cách mạng rất năng nổ. Bà làm giao liên và bị địch bắt 2 lần. Lần đầu bị bắt, con trai của bà không có mẹ chăm nên bệnh nặng rồi qua đời. Lần thứ hai bà bị bắt thì con gái thiếu sữa mẹ, cũng ốm nặng.
Cuối đời, bà thường mê sảng rồi nhắc đến chuyện cũ, nhất là chuyện bị tra tấn dã man. Thế nhưng, bà luôn tự hào về những gì mình đã cống hiến và dặn dò con cháu tiếp nối truyền thống của gia đình.