F0 mòn mỏi chờ thủ tục hưởng BHXH

16/05/2022 20:27
Hà NộiBa lần đến trung tâm y tế phường xin cấp giấy nghỉ ốm, Minh Ánh vẫn bị yêu cầu “về chờ thông báo qua email”.

Hà NộiBa lần đến trung tâm y tế phường xin cấp giấy nghỉ ốm, Minh Ánh vẫn bị yêu cầu “về chờ thông báo qua email”.

Ngày 23/2, Ánh, 30 tuổi, trú phường Yên Hoà, quận Cầu Giấy âm tính với Covid-19 sau 7 ngày điều trị tại nhà. Đợt nhiễm bệnh này tiêu tốn của Ánh gần 3 triệu đồng. Bộ phận nhân sự của công ty khuyên xin giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (giấy nghỉ ốm) tại địa phương để được hưởng hỗ trợ.

Luật bảo hiểm xã hội quy định, người lao động bị ốm đau phải nghỉ việc và có xác nhận của cơ sở khám, chữa bệnh có thẩm quyền, được chi trả trợ cấp bằng 75% mức tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ. Ánh nhẩm tính nếu được thanh toán, cô sẽ nhận gần 1,1 triệu đồng. "Chẳng thấm vào đâu nhưng có còn hơn không", cô nói.

Ánh có đủ bốn loại giấy tờ: quyết định cách ly y tế, tên trong danh sách cách ly, tờ khai thông tin cá nhân và kết quả test nhanh âm tính nên được cấp giấy hoàn thành cách ly. Hai ngày sau, cô ra trạm y tế phường xin cấp Giấy nghỉ ốm và được hướng dẫn gửi hồ sơ qua email và chờ phản hồi. Từ đó đến nay, cô nhiều lần ra hỏi khi không thấy mail xác nhận, song vẫn bị yêu cầu chờ thêm. Ánh lo ngại có nguy cơ mất khoản hỗ trợ này, dù đó là quyền lợi chính đáng.

Giải thích về sự chậm trễ này, đại diện của trạm y tế phường Yên Hoà cho biết do số lượng F0 trên địa bàn phường lớn, đội ngũ nhân viên y tế mỏng, nhiều nhân viên y tế nhiễm bệnh, nên xảy ra tình trạng quá tải, ùn tắc cục bộ trong giải quyết giấy tờ. "Chắc chắn chúng tôi sẽ giải quyết hết yêu cầu của người dân, nhưng cần thêm thời gian", vị này nói.

F0 mòn mỏi chờ thủ tục hưởng BHXH

F0 xếp hàng xin giấy xác nhận khỏi Covid-19 và thủ tục hưởng BHXH tại phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai, Hà Nội), chiều 28/2. Ảnh: Phạm Chiểu

Chung cảnh ngộ Ánh, anh Đức Hùng, 29 tuổi, trú phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy mắc Covid-19 hôm 7/2, đến ngày 14/2 có kết quả xét nghiệm PCR âm tính nhưng đến nay vẫn chưa được cấp quyết định cách ly y tế và giấy hoàn thành cách ly tại nhà.

"Tôi gọi cả chục cuộc điện thoại xin cấp giấy từ lúc nhiễm bệnh đến khi âm tính, nhưng không có kết quả", anh Hùng bức xúc.

Theo phản ánh của những người từng mắc Covid-19, thủ tục nhận BHXH quá rườm rà, khiến họ có tâm lý nản lòng và bỏ cuộc.

Cán bộ nhân sự tại một công ty tổ chức sự kiện cho biết, trong tổng số gần 100 nhân viên nhiễm bệnh, chỉ có gần 10 trường hợp nộp Giấy nghỉ ốm, số còn lại chưa được cấp hoặc không có ý định làm. "Đa phần có tâm lý ngại ra phường vì sợ đông, số khác cho rằng Bảo hiểm gây khó dễ nên bỏ luôn", người này nói.

Bà Nguyễn Thùy Phương, Trưởng phòng BHXH ngắn hạn, Ban Thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết: "Chúng tôi không có thẩm quyền quy định về hồ sơ trình tự, thủ tục. Nếu dùng giấy tờ không đúng quy định để chi trả chế độ, khi bị thanh tra, kiểm tra chúng tôi phải thu hồi số tiền đã chi".

Hồi tháng 11/2021, hàng chục nghìn F0 điều trị tại nhà ở TP HCM từng bị "treo quyền lợi" vì trạm y tế địa phương chỉ cấp giấy hoàn thành cách ly điều trị. Cơ quan Bảo hiểm xã hội TP HCM giải quyết linh động bằng cách căn cứ thông tin trên giấy hoàn thành cách ly, xác nhận nơi lao động làm việc để giải quyết chế độ cho hơn 10.000 người. Song Cục Quản lý khám, chữa bệnh thuộc Bộ Y tế yêu cầu F0 cách ly tại nhà phải có Giấy nghỉ ốm hưởng bảo hiểm xã hội mới được giải quyết. Các trường hợp đã chi trả cần bổ sung giấy này.

Bên cạnh đó, Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH phải do các cơ sở khám chữa bệnh cấp. Nhưng đa số F0 hiện nay có triệu chứng nhẹ, không bắt buộc tới cơ sở khám chữa bệnh, việc xin cấp giấy nghỉ ốm lâm vào bế tắc.

Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các trạm y tế xã, phường cấp loại giấy này cho những người điều trị tại nhà. Thực tế tại các Trạm y tế ngoại thành như Đông Anh, Sóc Sơn đã quen với việc đăng ký và cấp giấy chứng nhận do có đông công nhân. Ở khu vực nội thành, trước nay chưa thực hiện nhiều nên vẫn vướng mắc.

"Các Sở Y tế tại TP HCM, Thanh Hóa, Nghệ An đã chỉ đạo các trạm y tế cấp Giấy nghỉ ốm cho người lao động. Các tỉnh thành chưa có hướng dẫn đành phải chờ", bà Nguyễn Thùy Phương cho biết thêm.

Theo Cục Quản lý khám chữa bệnh, đến hết ngày 8/3, cả nước có hơn 1,5 triệu F0 điều trị tại nhà, có nhu cầu được cấp giấy chứng nhận mắc Covid-19 để hưởng chế độ.

Bộ Y tế đã có văn bản đề xuất Chính phủ ban hành Nghị quyết công nhận bảy loại giấy tờ có giá trị như Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ hưởng BHXH. Cơ quan Bảo hiểm xã hội lấy đó làm căn cứ để thanh toán, chi trả chế độ.

"Nếu đề xuất này được thông qua, có lẽ tôi đã không phải liều mạng đến trạm y tế phường, nơi có cả trăm người đứng chen chúc để xin giấy nghỉ việc mỗi ngày", Ngọc Lan, 27 tuổi, trú phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, khỏi bệnh ngày 28/2, nói.

Lần đầu ra trạm y tế phường xin Giấy nghỉ ốm, cô được hẹn bốn ngày sau ra lấy, nhưng đến hẹn lại lùi lịch. Ngày thứ 8 sau khi khỏi bệnh, Lan lại vác bụng bầu bảy tháng ra nhận giấy nghỉ ốm.

"Quá lằng nhằng và mất thời gian", Mai Quỳnh, 32 tuổi, phường Khương Đình, quận Thanh Xuân thốt lên. Cô dương tính với Covid-19 từ ngày 25/2, 10 ngày sau khỏi bệnh, nhưng Quỳnh từ chối xin xác nhận để nhận bảo hiểm xã hội.

Quỳnh nói, đến chỗ đông người khi vừa khỏi bệnh tiềm ẩn nhiều rủi ro cho bản thân và cộng đồng. Bên cạnh đó, việc liên tục thay đổi các quy định về giấy tờ làm hồ sơ xét duyệt khiến cô không muốn nhận quyền lợi. Còn nếu chấp nhận giấy xét nghiệm (test nhanh hoặc PCR) có kết quả dương tính Covid-19, nữ nhân viên sẽ suy nghĩ lại.

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng buộc người nhiễm bệnh hoặc mới khỏi tự di chuyển đến các cơ sở y tế trong tình trạng sức khoẻ không đảm bảo là sai nguyên tắc và tiềm ẩn các nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng. Theo ông Nga, các cơ sở y tế nên có các phương thức hướng dẫn liên lạc qua các phần mềm từ xa để giảm nguy cơ lây nhiễm, theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế.

Chưa thể tinh giản thủ tục hưởng BHXH, một số phường trên địa bàn thành phố Hà Nội hướng dẫn người dân làm thủ tục, giấy tờ thông qua đầu mối là tổ trưởng tổ dân phố hoặc các các nhóm chăm sóc F0 trong khu dân cư.

Minh Nhật, 28 tuổi, trú tại phường Mai Động, quận Hoàng Mai cho biết mọi quyết định cách ly, hoàn thành cách ly hay kê khai thông tin xin cấp giấy nghỉ ốm chỉ cần tin nhắn qua tổ trưởng tổ dân phố để được hỗ trợ. "Quy trình giải quyết nhanh gọn, hạn chế tiếp xúc, khiến các F0 như tôi an tâm điều trị", Nhật nói.

Mô hình tổ dân phố hỗ trợ F0 cũng được triển khai rộng tại quận Nam Từ Liêm. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm cho biết quận đang triển khai mô hình các nhóm chăm sóc F0 tại từng tổ dân phố. Các nhóm này có trách nhiệm liên hệ với trạm y tế phường để hỗ trợ khi phát hiện F0 cũng như giải quyết các thắc mắc, thay vì F0 phải vật lộn liên hệ với y tế phường hay tự ra khai báo.

Riêng với Minh Ánh, cô hy vọng đề xuất của Bộ Y tế sớm được thông qua để bản thân sớm nhận hỗ trợ, do đã có quyết định cách ly và hoàn thành cách ly. "Chỉ khi thủ tục, giấy tờ được đơn giản hoá, người lao động mới bớt khổ", nữ nhân viên bộc bạch.

Quỳnh NguyễnTrở lại Đời sốngTrở lại Đời sốngChia sẻ ×

Theo Nguồn vnexpress.net

F0 mòn mỏi chờ thủ tục hưởng BHXH - Nội Trợ