Và những cái chết xanh bỏ mình dưới con nước cứ inh ỏi dội về khiến lòng người xao xác lo toan.
Tháng 4 chứng kiến quá nhiều những cái chết thương tâm của con trẻ do đuối nước. Chiều 11-4, có hai chị em ở Đắk Lắk thương cha mẹ vất vả rủ nhau ra bờ ao cắt cỏ phụ giúp gia đình. Không may, người em lớp 3 trượt chân rơi xuống nước chới với, người chị lớp 10 lao xuống cứu em và đớn đau vô cùng khi cả hai chị em đều chẳng thể lên bờ được nữa.
Trước đó 1 ngày, 3 đứa trẻ tội nghiệp trên địa bàn huyện Krông Năng (Đắk Lắk) tử vong thương tâm trong ao nước lúc đi bắt ốc. Cách đó 2 tuần, 3 đứa con nhỏ trong một gia đình ở huyện Krông Búk (Đắk Lắk) đuối nước khi chơi ở hồ nước cách nhà không xa. Góp vào bức tranh buồn ấy có thêm 5 học sinh ở huyện Thiệu Hóa (Thanh Hóa) tử vong hôm 4-4 nữa…
Mấy ngày đầu tháng 5 lại dồn dập tin xấu về những sinh mạng bỏ mình dưới nước. 12 giờ ngày 1-5, nhóm học sinh ở Bình Phước không may đuối nước khiến 4 em tử vong. Và 16 giờ chiều hôm đó, 3 người từ 14 - 24 tuổi bị sóng cuốn ra xa dẫn đến đuối nước ở bãi biển Bình Đình…
Đuối nước trung bình mỗi năm cướp đi 2.000 đứa trẻ ở Việt Nam. Và đuối nước cũng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em bên cạnh các tai nạn thương tích khác. "Cuộc chiến" giành giật sự sống của trẻ với tử thần ẩn nấp dưới dòng nước dữ đã phát động từ lâu, đánh động toàn xã hội nhưng mấy tháng gần đây, tỷ lệ trẻ đuối nước tăng lên rất nhanh, tăng cao bất thường buộc chúng ta phải đặt câu hỏi về trách nhiệm của người lớn xung quanh nỗ lực xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh cho sự phát triển của trẻ.
Trách nhiệm bảo vệ con cái trước hết thuộc về gia đình. Chúng ta bận rộn mưu sinh để chăm lo cho cuộc sống của trẻ đủ đầy. Chúng ta mải mướt bôn ba nơi đất khách gửi con cái cho ông bà trông coi. Chúng ta làm lụng vất vả hòng mưu cầu cảnh nhà ấm êm…
Nhưng hạnh phúc của chúng ta là những đứa trẻ - khuôn mặt tươi sáng và nụ cười hồn nhiên, ánh mắt rạng ngời và bờ môi chúm chím. Nên, đừng bao giờ bỏ quên con trẻ đang tuổi lớn, còn ham chơi, chóng quên lời căn dặn để nhắc nhở con nhiều hơn việc tránh xa hiểm nguy ẩn mình sau dòng nước, để quan tâm đăng ký lớp học bơi và trang bị đủ đầy kỹ năng sinh tồn cho trẻ.
Bên cạnh đó cần lắm nỗ lực từ cộng đồng để mục tiêu phổ cập bơi lội cho trẻ có thể thành hiện thực trong tương lai gần. Nhiều trường học đã tăng cường đầu tư kinh phí xây dựng, vận hành hồ bơi và tổ chức dạy bơi cho trẻ nhưng quy mô còn hạn chế. Nhiều cá nhân và tổ chức chủ động đứng ra ngăn dòng dạy bơi miễn phí cho trẻ nhưng chưa thể nhân rộng mô hình…
Các dự án, chuyên đề phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ trong trường học, đặc biệt là tai nạn đuối nước vẫn chưa thể bao phủ trên diện rộng để mỗi đứa trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường đều được lắng nghe những tư vấn thiết thực, nhìn ngắm hình ảnh trực quan sinh động và nâng cao ý thức cẩn trọng trong hành động để bảo vệ sự an toàn của chính mình.
Kỳ nghỉ hè của trẻ đang rục rịch về ngoài kia. Mùa cao điểm tai nạn đuối nước cũng đang rình rập. Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em.
Tin liên quan
Liên tiếp 14 trẻ đuối nước, Nghệ An chỉ đạo "nóng"