Gót chân bị chai ảnh hưởng đến đi lại, đau và khó chịu, đã gọt vết chai nhiều lần nhưng thường tái phát, xin bác sĩ tư vấn cách điều trị triệt để? (Sơn, 54 tuổi, Nam Định)
Trả lời:
Chai chân là hiện tượng một khu vực ở bàn chân trở nên dày cứng khi phải chịu một áp lực tì đè cường độ thấp nhưng lặp đi lặp lại nhiều lần. Vết chai chân chủ yếu tại vị trí cạnh ngón chân, vùng rìa bàn chân hoặc mặt gan bàn chân.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến chai sần bàn chân như cứng khớp, hạn chế vận động khớp làm gia tăng áp lực bàn chân, thường gặp ở bệnh nhân bị thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, tiểu đường. Sử dụng giày dép chật cũng là nguyên nhân dẫn tới chai chân khiến các ngón chân bị ép chặt đè vào nhau. Đi giày không phù hợp còn gây ra biến dạng bàn chân như tật ngón cái vẹo ngoài.
Trường hợp chai chân do sử dụng giày dép chật, bạn chỉ cần thay đổi kích cỡ và chọn loại giày dép phù hợp. Bệnh nhân bị cứng khớp, hạn chế vận động khớp nên lựa chọn các loại giày đi bộ, sử dụng lót giày mềm làm giảm áp lực tì đè cũng sẽ giảm nguy cơ chai chân.
Ở giai đoạn đầu, để trị chai chân có thể ngâm chân với nước muối ấm mỗi ngày 30 phút làm mềm vùng da bị chai. Massage vùng da bị chai để da mềm, giảm đau. Không được tự ý đâm chọc, cắt gọt vết chai. Thoa kem dưỡng, tránh đi chân đất để bảo vệ da chân.
Đối với các tổn thương chai dày cứng gây đau và khó khăn khi vận động, cần đến bệnh viện để được gọt bỏ. Kỹ thuật gọt chai chân là tiểu phẫu rất đơn giản, rẻ tiền, không gây đau và ít gây chảy máu, thời gian thực hiện khoảng 10-30 phút nhưng phải do bác sĩ tiến hành tại bệnh viện. Người bệnh thường được điều trị ngoại trú và không cần phải nhập viện.
TS. BS Lê Bá Ngọc