ThS.BS.CKI Đào Duy An Duy, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình, Hệ thống BVĐK Tâm Anh cho biết, xương bánh chè là một đoạn xương nhỏ nằm ở trước khớp gối, giúp khớp gối giảm áp lực khi chân di chuyển, đứng thẳng. Xung quanh khớp gối có một màng bao chứa dịch, chịu trách nhiệm giảm ma sát khi khớp gối hoạt động, nuôi dưỡng sụn khớp; tiêu diệt vi khuẩn xâm nhập vào khớp gối, giảm nguy cơ nhiễm trùng... Khi có bất thường xảy ra, gây tổn thương màng bao chứa dịch, làm cho khớp gối tiết ra quá nhiều dịch và tràn vào các mô xung quanh khớp, tình trạng này được gọi là tràn dịch khớp gối. Các dấu hiệu đặc trưng là cảm giác nặng nề và căng ở khớp; khớp trở nên sưng cứng, khó duỗi thẳng chân hoặc gập gối; nóng đỏ ở gối và khu vực xung quanh xương bánh chè...
Thủ thuật kiểm tra tình trạng bập bềnh xương bánh chè. Ảnh: Shutterstock
Khi thăm khám các tình trạng khớp gối, người bệnh thường được yêu cầu nằm ngửa, chân mở rộng và duỗi thẳng. Khi đó, bác sĩ sẽ đẩy dồn dịch khớp, ấn hoặc vỗ lên xương bánh chè. Nếu khu vực xương này nẩy lên, chứng minh rằng khớp gối của người bệnh đã bị tràn dịch. Trong khi ở khớp gối khỏe mạnh, lượng dịch trong khớp ít, xương bánh chè và xương đùi nằm sát nhau, do đó, không thể thực hiện ấn hoặc chạm nhau.
Sau đó, người bệnh sẽ được chỉ định thực hiện thêm các phương pháp cận lâm sàng khác như chụp X - quang để xác định mức độ thoái hóa khớp, tổn thương tủy xương...; chụp MRI để tìm tổn thương bên trong màng bao khớp, tình trạng dịch khớp; siêu âm để kiểm tra độ dày của màng bao khớp...
Những nguyên nhân gây tràn dịch khớp gối thường gặp là:
Nhóm các bệnh lý viêm xương khớp như viêm khớp dạng thấp, gout, viêm cột sống dính khớp, viêm khớp vảy nến... làm tăng sinh dịch màng bao ở tất cả các khớp, trong đó, dễ nhận thấy nhất là ở khớp gối.
Nhiễm trùng ở khớp là một tình trạng nghiêm trọng, gây tràn dịch khớp gối. Tuy nhiên lúc này, dịch trong bao khớp đã trở thành dịch mủ, tích tụ bên trong khớp gối. Nếu không được điều trị kịp thời, dịch mủ này không ngừng làm tổn thương hoặc thậm chí là phá hủy khớp, buộc người bệnh phải phẫu thuật. Nhiễm trùng có thể xảy ra do bất kỳ vi khuẩn nào xâm nhập vào khớp gối, thường gặp là vi khuẩn S aureus, đôi khi là lao và mycoplasma.
Chấn thương trong thể thao, tai nạn hoặc sinh hoạt thường ngày có thể gây tổn thương sụn khớp, giãn đứt dây chằng, rách sụn chêm,... làm tràn dịch khớp. Trong một số trường hợp, khi chấn thương khớp gối lặp đi lặp lại, không được điều trị tận gốc sẽ dẫn đến tình trạng viêm khớp do chấn thương. Hậu quả là tăng sinh dịch và tràn dịch khớp gối.
Khối u lành tính hoặc ác tính đều có thể gây tràn dịch khớp gối.
Corticoid có thể được tiêm trực tiếp vào khớp gối để giảm viêm. Ảnh: Shutterstock
Bác sĩ An Duy chia sẻ, bập bềnh xương bánh chè là dấu hiệu đặc trưng của tràn dịch khớp gối, trong khi đó, tràn dịch khớp gối lại là triệu chứng của một bệnh lý tiềm ẩn. Vì vậy, mục tiêu điều trị là kiểm soát các triệu chứng đang ảnh hưởng đến sinh hoạt của người bệnh và giải quyết nguyên nhân gây tràn dịch khớp gối. Tùy từng nguyên nhân gây bệnh cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định các phương pháp điều trị như kê đơn thuốc, tiêm hút dịch, phẫu thuật. Trong đó, thuốc bao gồm các loại như thuốc giảm đau, kháng viêm; thuốc kháng sinh nếu bị nhiễm trùng... Người bệnh có thể được chỉ định tiêm corticoid trực tiếp vào khớp để giảm viêm hoặc chọc hút dịch khớp để giảm áp lực tạm thời. Trong những trường hợp khớp bị tổn thương nghiêm trọng, bác sĩ sẽ chỉ định phẫu thuật thay khớp.
Bên cạnh việc tuân thủ chỉ định của bác sĩ, người bệnh cần nghỉ ngơi nhiều, tránh đi lại để giảm áp lực lên gối, chườm lạnh nhằm giảm đau, kê chân lên cao giúp tuần hoàn máu chi dưới diễn ra thuận lợi hơn và giảm sưng phù.
Phi Hồng